mercredi 30 mai 2012

Cho tôi, nhân những ngày nào đó chưa xa


Những ngọn đèn không tắt suốt một đêm 

1.
Một buổi sáng không biết đẹp hay xấu, bạn lờ đờ thức dậy. Lật đật chạy ra bến bus. Lục đục trèo lên. Luồn lách như một con rắn giữa chật kín người là người.
- Chú ơi, chú đứng lui lui sang bên cạnh cho cháu đứng với! - Mồm bạn dẻo quẹo, chẳng cần nhìn mặt “chú” già hay trẻ (kinh nghiệm: chú là sự lựa chọn hoàn hảo khi không biết người kia già hay trẻ để gọi tương ứng là bác hay anh!).
Sau đấy, bạn có thể thanh thản vừa đứng vừa... gà gật. Bởi với dân đi bus, có được một chỗ đứng và một chỗ để vịn tay vào giờ cao điểm - là một điều lớn lao hơn cả hạnh phúc!
Đang lâng lâng gà gật, chợt bạn tỉnh rụi: có ai đang cố kéo cái balô của mình í nhỉ?
Mau mau tháo ngay balô và quay lại! Rất có thể đó là một tên móc túi! (Xe bus giờ nguy hiểm thế đấy!)
*
Bạn tưởng tượng rồi tiếp theo sẽ ra sao? Cùng nghe cô bạn Tóc nâu của chúng ta kể tiếp câu chuyện của cô ấy, nhé.

2.
Hm… chúng ta đang dừng lại ở đoạn Tóc nâu quay lại, tháo balô ra và - theo phản xạ tự nhiên, nàng kéo balô về phía mình. Nhưng… không phải một tên móc túi, mà balô đang vướng vào cái gì thế?
- Ấy ấy... em ơi...
Tóc nâu mất mấy chục giây nhìn chăm chăm mới nhận ra một sự thật mà dù có giàu trí tưởng bở đến đâu, nó cũng không thể nào tưởng tượng nổi! Cái balô - vốn được nó tự hào rằng nhiều khoá nhất quả đất - giờ quay ra phản chủ: một trong những cái khoá đó, không hiểu làm sao và bằng cách nào, đã móc vào... cái mác nhỏ xíu đính ở túi-sau-của-quần-jean-của... “chú”-hồi-nãy! Trời ui là trời, bus ơi là bus!
- Cháu xin lỗi! - Tóc nâu rối rít.
- Bình tĩnh nào, để anh gỡ nó ra! - “Chú” ấy nói một cách rất từ tốn.
Của đáng tội, Tóc nâu hơi có... bệnh nghề nghiệp bởi ngày xưa nó chuyên gỡ len rối, chỉ rối cho mẹ.
- Không sao, chú để cháu! - Nó hăng hái.
Nói là làm, nó hăm hăm hở hở nhấc qua nhấc lại cái balô, kéo kéo rồi gỡ gỡ. Hix, balô nặng nên làm khó ghê cơ!
- Xong rồi chú ạ! - Tóc nâu toát mồ hôi ngẩng lên, đụng phải nụ cười khó hiểu của “chú”.
Thôi chết, do tốc độ đường truyền kém: tín hiệu “xấu hổ” chậm chạp theo dây thần kinh hướng tâm truyền về nơ ron liên lạc, từ nơ ron liên lạc “bắn” đến trung ương thần kinh. Trung ương thần kinh xử lý dữ liệu, phát lệnh: đỏ mặt. Lệnh này ì ạch theo dây thần kinh ly tâm truyền đến mặt. Kết quả là mãi đến lúc này, mặt Tóc nâu mới tưng bừng như mặt trời!
Thế là thay vì tiếp tục bắn ra tràng xin lỗi, nó bảo:
- Cháu... cám ơn!
Hậu quả tất yếu là mặt nó càng nóng bừng lên (giả như có dội nước lên đầu thì sẽ thấy nước bốc hơi mù mịt!).
Tóc nâu không dám nhìn “chú” nữa. Nó sợ mình phải chui xuống gầm xe vì xí hổ. Bởi “chú” đang cười rung rinh.
Lát sau, có lẽ thấy tội nghiệp con bé quá, “chú” quay sang:
- Không sao (thì có phải đêm đâu mà đòi có sao?). Có gì đâu, xe bus chật như nêm thế này cơ mà (nhưng người ta đi cả năm cả tháng sao chả có chuyện gì?)! Lúc phanh gấp, đầy người còn ngã... chất đống ấy chứ (vâng, thà cháu được ngã còn hơn)!!!
Cứ lầm bầm mấy câu đối đáp trong miệng, Tóc nâu giật mình khi “chú” lảng sang chuyện khác:
- Em học lớp mấy?
- Cháu mới học lớp 11! - Nó trả lời chóng vánh, hy vọng “chú” đừng hỏi cho nó xấu hổ thêm.
- Thế mà dám gọi anh bằng chú? Anh đang học năm nhất đại học thôi!
- Trường nào ạ?
- Ờ... Bách khoa.
Nghe đến câu này, mắt Tóc nâu sáng lên. Đúng là… trời thương người tốt nhá! Nó thích Bách khoa mê tơi nên với nó tất cả những thứ thuộc về Bách khoa đều không gì sánh nổi!
Đến đây, cơn xấu hổ bay đi đằng nào. Tóc nâu bắt đầu hỏi han “chú” đủ thứ: điểm chuẩn năm ngoái bao nhiêu, làm sinh viên thì có gì sung sướng, trường có hoạt động gì hay ho... Ôi, phục sát đất khi anh nói: “Học hết năm nhất mới phân khoa, anh đang cố gắng để được vào khoa công nghệ thông tin.”
(Hơ, mà nó không xưng chú - cháu nữa!)
Sau chuỗi câu hỏi về Bách khoa, như tất cả những đàn em khi gặp tiền bối, nó “quay” anh Bách khoa (tạm gọi chú í như thế) kinh nghiệm học hành, thi cử.
Huyên thiên thêm một lúc nữa, Tóc nâu đăm chiêu bảo:
- Em trông anh rất quen.
Anh tủm tỉm cười.
Tóc nâu không hiểu anh í có ý gì, cũng cười cười và quạt như đuổi ruồi bằng cái quyển vở đang cầm trên tay. Rồi nó bỗng săm soi. Ura, đã hiểu! Chả là trường Tóc nâu có truyền thống chụp hình học sinh giỏi các cấp rồi in lên bìa vở thưởng học sinh. Thì ra ngày xưa anh Bách khoa học trường Tóc nâu! Thế là nó phởn chí ghê gớm: là lá la, vậy là không sợ “mình không học trường xịn thì sẽ thi rớt”, bởi xưa nay Tóc nâu vẫn e dè: trường nó không phải là một trường nổi đình đám ở thành phố này.
Hôm ấy, Tóc nâu được phen chạy bở hơi tai mà rốt cục vẫn phải xì thẻ học sinh cho Cờ đỏ ghi tên. Chỉ tại nó chuyện trò hăng quá nên xuống lỡ một bến! Nhưng thêm một bến bus đó, nó biết rằng nhà anh Bách khoa cách nhà nó chưa đầy 1 km và lúc đi bus cùng nó, anh í đang đi gia sư.
Thật là một bầu trời tài năng! Hình tượng anh Bách khoa là tất cả giấc mơ của Tóc nâu - khi... nó vào đại học. Học hành ngon lành và đi làm thêm - chà...

3.
Một tuần sau, một tháng sau hay bao lâu - Tóc nâu không rõ. Nhưng nó đã thay đổi. Từng chút, từng chút một - qua từng ngày. Để rồi một hôm nó bỗng nhận ra: có lẽ mình thích anh Bách khoa!
Có thể đó là khi dịp cuối tuần không để dành cho nghỉ ngơi, tiệc tùng mà để học bài.
Có thể đó là lúc buồn ngủ díp mắt nhưng khi nghĩ đến anh Bách khoa và một tương lai ngời sáng, lại tỉnh táo và chong đèn trắng đêm.
Cũng có thể là những lần gặp bài khó nhăn nhở - không quăng đấy đợi hôm sau thầy chữa mà mày mò rồi lục lọi sách tham khảo - để làm cho được mới thôi.
Và có thể lắm - là khi Tóc nâu yêu xe bus vô cùng - cả những lúc đông ngộp thở và chen chúc hết hơi.
Thỉnh thoảng, Tóc nâu lại gặp anh Bách khoa. Càng nói chuyện nhiều, nó càng khâm phục anh dễ sợ. Nào là hoạt động đoàn đình đám (mà học vẫn ngon), nào là làm thêm một đống việc khác nữa để tự đóng học phí, tự mua di động và nuôi nó.
“Mình sẽ giống anh í! Mình sẽ làm được như anh í!” - đó là slogan của Tóc nâu. Ngay cả việc bố mẹ bảo « tập xe máy đi để đi học cho tiện », nó nhất định không nghe: anh Bách khoa kể rằng anh í thi đại học xong thì vừa đủ tuổi và lúc đó mới tập xe máy ít ngày, rồi thi lấy bằng luôn. Nó cũng làm thế!
Chậc, tình iu... là có những điểm tương đồng mà!
Nhiều lúc buồn buồn, Tóc nâu nhớ đến lần đầu đụng nhau trong hoàn cảnh 1-0-2 thì lại phì cười: film Hàn lãng mạn thế cũng không sánh được! Vậy là thêm... tự hào. Đôi khi, nó đã lẩn thẩn nghĩ đến chuyện... sau này sẽ kể với con cái (ặc ặc): ngày xưa bố mẹ gặp nhau trên xe bus...
Tình củm của Tóc nâu ngày ngày lớn lên, tỉ lệ thuận với nó là sự camơrun và « có vấn đề về ngôn ngữ » mỗi lần gặp anh Bách khoa. Dù vậy, anh í vẫn hồn nhiên không biết gì. Nhưng không sao. Ngày 19/10 ở cái năm (mà nếu không có gì thay đổi) Tóc nâu học năm nhất đại học đã được nó tô choe choét: kỉ niệm 2 năm ngày quen nhau, ngày này để nó nói rằng: em... quý anh!!!

4.
Ngày xưa, ở báo Hoa học trò có bài thơ Những ngọn đèn không tắt suốt một đêm.

Những ngọn đèn không tắt suốt một đêm
Nối ngày dài thêm và không cần đêm nữa
Bên kia là mái Tóc Dài nghiêng nghiêng một mùa thi cử
Bên này là Đầu đinh thức nhìn sang

Tóc Dài mùa thi ngọn đèn quên ngủ
Đầu Đinh mùa ... thương quên ngủ ngọn đèn
Đầu Đinh thương tóc dài vất vả
Chợt thèm trở mình thành ngọn gió ru êm

Những tim tím bằng lăng
Tiếng ve giòn giã gọi
Hoa phượng nở đỏ bừng - trang vở đợi mùa thi
Tóc Dài thức trắng đêm. Đầu Đinh chờ tới sáng
Chỉ hai ánh đèn không tắt. Qua khuya

Đầu Đinh mùa thương Tóc Dài vất vả
Tóc Dài mùa thi Đầu Đinh thương quá
Những tờ lịch cứ luống cuống rơi...

Tháng sáu mùa thi - Tháng sáu trời ơi
Mùa hoa phượng mắt lúc nào cũng rưng rưng muốn khóc.
Tóc Dài nhé! Đầu Đinh chờ trước cổng trường đại học
Để hai ngọn đèn gọi dậy một Ban Mai
Cho Đầu Đinh được gọi Tóc Dài:
"Sinh viên chào Sinh viên thân ái!" 
(*)
Tóc nâu đã trải qua những tháng ngày 12 với bài thơ ấy. Chẳng hiểu sao nó thấy đồng cảm ghê gớm. Cứ như tác giả viết cho chính câu chuyện của nó, cho đích danh... nó với anh Bách khoa! Mặc kệ sự thật là nhà nó và nhà anh Bách khoa chẳng hề cạnh nhau. Thậm chí, đối diện với nhà nó là một cái... WC công cộng!

5.
Tháng sáu thi tốt nghiệp.
Đầu tháng bảy thi đại học.
Và cả một tháng dài như một thế kỷ - vật vã chờ điểm. Ăn không ngon, ngủ không yên.
Trước khi thi đại học thì có một danh sách dài những việc sẽ làm, sẽ bay nhảy lúc thi xong, vậy mà giờ Tóc nâu không muốn gặp ai, không thích làm gì.

Điểm ơi...

6.
Rồi cũng phải đến - cái ngày Tóc nâu run rẩy online, run rẩy gõ số báo danh và... hét ầm cả hàng net khi biết mình đã đỗ!
Phi như bay về nhà, anh Bách khoa là người đầu tiên nó muốn báo tin mừng. Giọng nó vỡ rổn rảng niềm vui, còn anh Bách khoa vẫn điềm tĩnh - hệt như hôm đầu tiên đụng nhau.
- Chúc mừng em!
- Hehe, em cũng thích trường anh lắm nhưng... chắc là không hợp !
Cúp máy. Một khoảnh khắc Tóc nâu thấy niềm vui như lắng lại. Nó đăm chiêu suy nghĩ với một sự ngạc nhiên: vừa rồi nó nói chuyện với anh Bách khoa đầy tự tin - không camơrun cũng như chẳng có vấn đề ngôn ngữ nào cả! Là sao?
Là mới ngày nào Tóc nâu còn cảm thấy anh Bách khoa đứng ở đỉnh vinh quang còn nó đang quẩn quanh dưới... chân đỉnh núi ấy. Nhưng giờ đây, thật tự hào vì nó đã có một vị trí khá khẩm hơn, không còn phải nghển cổ lên nhìn anh í như trước.
Chợt thấu suốt hơn bao giờ hết, rằng những cảm xúc khi xưa chỉ xuất phát từ sự thần tượng (thái quá) của chính mình!
« Tình iu chỉ có một, nhưng những thứ na ná tình iu thì có nhiều »...
Tóc nâu biết rằng sẽ chẳng có đâu cái viễn cảnh « con à, ngày xưa ba mẹ quen nhau trên xe bus » mà nó từng (hoang) tưởng tượng. Nhưng nó vẫn biết ơn mối tình Những ngọn đèn không tắt suốt một đêm. Cái mối tình tưởng-là-thật-thì-ra-không-phải ấy đã cho Tóc nâu những động lực mà nó không ngờ đến, để có một ngày...

Chiến thắng!

7.
Sáng nay, một buổi sáng không biết đẹp hay xấu, Tóc nâu dọn lại đống sách vở. Tạm biệt mối tình, tạm biệt bài thơ, tạm biệt những tháng ngày đã cũ - tất cả đều được nó trân trọng xếp vào từng ngăn ký ức.

Để rồi sẵn sàng cho những thứ mới tinh khôi...

29/5/2k6

LAX - Hoa học trò/Trà sữa 2008

(http://lurang.blogspot.com/2008/05/noi-ngay-dai-them-va-ko-can-em-nua.html)

(*): Những ngọn đèn không tắt suốt một đêm  - Hoàng Anh Tú - HHT390 

* * * 
Giờ đang là thời gian các em cuối cấp chia tay mái trường phổ thông, một thời áo trắng đúng nghĩa (lên đại học không còn phải mặc áo trắng nữa đâu, và tâm hồn cũng thế) 

Nghĩ về những ngày tháng chưa hề xa xôi của mình, có phải không?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire