mercredi 26 juin 2013

Nàng Tiên Cá (Little Mermaid) - Hans Christian Andersen

Hôm nay google tìm đọc truyện cổ tích Nàng tiên cá (tên tiếng anh là Little Mermaid và tên tiếng đan mạch là Den lille Havfrue), câu chuyện nổi tiếng ai cũng biết của tác giả Hans Christian Andersen (An-đéc-xen).
Thực ra mình chỉ biết nội dung truyện khi xem phim hoạt hình của Walt Disney năm 9-10 tuổi, câu chuyện hoạt hình này là một phiên bản khác với cái kết đẹp cho nàng tiên cá đáng thương và nhân vật công chúa là vai phản diện trong phim. Và chỉ thực sự biết câu chuyện này khi mấy hôm nay xem phim Secret Garden. Lần cuối cùng (mà mình nhớ) đọc Nàng tiên cá là lần mình nhìn thấy cuốn Truyện cổ tích Andersen cái bìa khá đẹp trên giá sách nhà bạn, rút xuống đọc năm cấp 3 và đến giờ vẫn nhớ cảm giác lúc đó: đọc đến đoạn nàng tiên cá đổi giọng hát và tiếng nói để lấy đôi chân, nàng lên bờ biển và gặp chàng hoàng tử nhưng lúc đó nàng hoàn toàn khỏa thân và vội lấy tóc cuốn thân mình che lại. Trong cuốn truyện kia, khi đọc đến đoạn này người dịch đã viết một cách cực kỳ thô thiển. Lúc đó mình chưa rõ việc dịch là gì, bằng tâm hồn trong sáng và non nớt mình chỉ biết cáu kỉnh nói với cô bạn rằng: truyện cho thiếu nhi mà viết kiểu gì thế này, nhà xuất bản không có tí trách nhiệm nào khi cho in sách thế này (đại ý là vậy). Thật sự bực mình và chính từ lúc đó đã thế không mua những ấn bản truyện cổ tích nữa, khi mà trước đó lúc nào mình cũng mê mẩn sẽ sưu tầm mấy cuốn Andersen và Grim.
Quay lại truyện hôm nay, những ngày qua khi biết cái kết đau thương của câu chuyện này, hôm nay mình mới google tìm đọc một cách chính xác và đọc được bản dịch rất hay này: Nàng Tiên Cá - Tác Giả: Hans Christian Andersen, (một vài đoạn người gõ truyện để bị lặp) nhưng tiếc rằng không ghi tên người dịch. Hôm nay, lúc đọc câu chuyện này mình mới thấm thía hết được tài năng trong miêu tả cũng như xây dựng truyện của Andersen. Lúc nhỏ ai cũng từng biết những truyện Cô bé bán diêm (sách giáo khoa), Bà chúa tuyết... nhưng đều là những câu chuyện văn tắt cho trẻ em. Những câu văn đẹp và trữ tình đến thế,  thật may mắn bây giờ mình đã đọc và nhận ra.

Tiếp theo đó là đọc được đoạn viết này:

(...) Gronbech cũng kêu gọi chúng ta hãy đọc Andersen không chỉ dưới ánh sáng Thiên Chúa giáo, mà dưới chủ âm triết lý chung cuộc về đời sống con người mà Andersen thể hiện. Gợi ý này giúp chúng tôi nghĩ đến một luận điểm nhỏ: phải chăng, có một lớp nghĩa mang nội dung bi kịch trong truyện cổ Andersen thông qua sự trộn lẫn nhân vật-con người và nhân vật-sự vật, và bi kịch ấy, trong dáng dấp truyện cổ tích, sẽ mang màu sắc hồn nhiên?

I. Bi kịch chọn lựa:

Chúng ta bắt đầu với câu chuyện Nàng tiên cá.

Nàng tiên cá khi có được tình yêu với con người (là chàng hoàng tử) thì bị rơi vào thế phải đánh đổi: đánh đổi tiếng hát, giọng nói, và cao hơn là đánh đổi số phận của chính mình, đánh đổi sự tồn tại để có được một linh hồn bất diệt. Nàng có hai lần phải chọn lựa. Lần thứ nhất, khi đến gặp mù phù thủy, nàng buộc phải chọn lựa giữa việc hy sinh tiếng hát, giọng nói để biến thành người và được gặp hoàng tử yêu dấu. Nàng đã chọn sự hy sinh. Lần thứ hai, khi buộc phải giết chết hoàng tử trước lúc mặt trời mọc để sống ba trăm năm đời cá thay vì sống trong tích tắc của kiếp người. Nàng đã chọn kiếp người. Cuộc đời nàng tiên cá đã phải chọn lựa những thứ như sau: được làm người, được yêu như người, và được chết như con người. Dấu hiệu duy nhất để nhận biết điều ấy là đôi chân trần đau nhói trong mỗi bước đi. Những chọn lựa của nàng tiên cá suy cho cùng đều là những quyết định bi kịch. Cái nàng đạt được và cái nàng hy sinh đều hệ trọng như nhau. Nàng phải chọn trong đau đớn giữa cái phù vân và cái vĩnh cửu, giữa thân phận bọt sóng vô tri và kiếp người đầy mất mát. Cái là phù vân lại mang hình bóng vĩnh cửu (bọt sóng), cái tưởng là vĩnh cửu lại quá đỗi phù vân (làm người).


...

(Lê Tâm)

Xem trên Goodreads: Bi kịch hồn nhiên trong truyện cổ Andersen - Lê Tâm

Và thật sự thích câu truyện này, cái kết buồn hay chính xác không phải "cái kết cổ tích" như cổ tích ngày nay được sử dụng là một tính từ. Lúc nhỏ chúng ta được dạy tin vào cổ tích, mơ những giấc mơ cổ tích với ý nghĩa tươi đẹp và tinh thần mà cổ tích đem lại. Người lớn đã tóm tắt những câu chuyện của Anderden ngắn gọn và ngọt ngào hơn cho trẻ em, bây giờ khi nhận ra rằng biết được cái kết thật, cái kết buồn, tôi lại vẫn thích và yêu nó. Chỉ là yêu một kiểu khác, tôi nhận ra tôi đã "già" thật rồi. Vậy ra Andersen đã viết "thứ truyện cổ tích dành cho người lớn", không phải những câu chuyện bắt đầu bằng "once upon a time" và kết thúc "and they all lived happily ever after" - đây là tinh thần mà văn hóa giải trí Mỹ đã đem đến cho từ "cổ tích", tất nhiên tôi cũng rất thích nó, vì chính tôi sau này sẽ vẫn nói với những đứa trẻ rằng hãy tin vào cổ tích.

Từ bao giờ khi tôi yêu thích một tác phẩm nào đó tôi có thói quen muốn đọc nó bằng ngôn ngữ viết ra. Và lần này thì tôi không thể đọc bằng tiếng đan mạch nên sẽ đọc bản tiếng anh: 

The little mermaid drew back the crimson curtain of the tent, and beheld the fair bride with her head resting on the prince’s breast. She bent down and kissed his fair brow, then looked at the sky on which the rosy dawn grew brighter and brighter; then she glanced at the sharp knife, and again fixed her eyes on the prince, who whispered the name of his bride in his dreams. She was in his thoughts, and the knife trembled in the hand of the little mermaid: then she flung it far away from her into the waves; the water turned red where it fell, and the drops that spurted up looked like blood. She cast one more lingering, half-fainting glance at the prince, and then threw herself from the ship into the sea, and thought her body was dissolving into foam.

The Little Mermaid (1836) by Hans Christian Andersen

và (cố gắng) đọc thêm đoạn trích trên bằng tiếng pháp: La Petite Sirène.

Cảm ơn bộ phim, ngoài việc đưa mình quay trở lại những năm tháng tuổi teen đầy mộng mơ và sức sống, đã là một phần trong những năm tháng của mình và cô bạn thân vào thời điểm này và bây giờ giúp mình quay lại đọc Andersen và tình yêu với cổ tích - thứ tình yêu của người đã lớn (dù chưa có khôn) - mình sẽ lại tìm mua những tuyển tập truyện cổ tích Andersen, Grimm... và tất nhiên sẽ chú ý đến tên người dịch - bản dịch để tìm được cuốn ưng ý nhất. 

Sau khi đọc lướt qua bài viết này: “nước xanh hơn cánh hoa mua biếc nhất, trong vắt như pha lê, nhưng sâu thăm thẳm, sâu đến nỗi neo buông không tới đáy…" có vẻ mình sẽ tìm cuốn của Dịch giả Nguyễn Văn Hải và Vũ Minh Toàn như tác giả bài viết đã trích nguồn, đã viết lại trong sổ tay chờ lần đi nhà sách tới.



PS: "Vào khoảnh khắc Nàng tiên cá sắp hóa thành bọt biển, Hoàng tử biết được sự thật, đã hỏi công chúa nước láng giềng "Đây có phải là quyết định tốt nhất chưa? Có chắc chắn không?". Sau đó Hoàng tử từ hôn, chạy về phía Nàng tiên cá. Còn Nàng tiên cá lấy ý tưởng từ bọt biển phát minh ra máy giặt kiểu không khí rồi trở thành triệu phú. Và còn Hoàng tử, không có thêm dự án đầu tư nào nên bị phá sản, đã trở thành "thư ký Kim" của Nàng tiên cá mãi mãi. Họ đã sống với nhau rất lâu rất lâu, thật sự rất lâu rất lâu..."

Như thế đấy, cái phim này!

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire